- Cam Thanh Quan Truong Ky Thi Ky Ky An Hoi Muoi Lam Chim Anh Be Nho

Tùy Chỉnh

Đại tiên sinh lo lắng Hồng Tước và An Viên, vì ngài quên rằng, nơi biên cương và chốn quan trường vẫn còn đó những bằng hữu, những người từ lâu lắm rồi ngài bỏ lại để ra đi. An Viên ngoài sa trường đã có bên cạnh Ngọc Phụng đại tướng quân, Hồng Tước dưới danh của Lễ bộ thượng thư Đoàn Châu và tể tướng ít nhất cũng được phần nào che chở qua tai mắt của các quan ghen ghét. Còn Thi Kỳ... à, Thi Kỳ, cánh nhạn bé nhỏ đã được an tâm gửi gắm cho người ấy... Khuê Tước tiên sinh không cần lo lắng nhiều nữa. Thực ra, người đáng phải được lo lắng là Khuê Văn Khổng Tước, bởi sự tồn tại của cả Sa Liên, Hồng Tước, An Viên lẫn Thi Kỳ đều nhờ tay ngài; nếu Khuê Văn Khổng Tước gặp nạn, đám đệ tử ngài cũng khó mà qua khỏi phen này.

Lại nói chuyện Hồng Tước, người đang phân vân lời dặn của Đoàn thượng thư. Dẫu biết là ngài muốn bảo vệ đứa học trò của người bằng hữu, cũng là học trò ngài, nhưng Hồng Tước không nỡ. Từ quan ra đi bỏ lại tất cả, dễ thôi, đại tiên sinh... đã từng... rồi. Nhưng nếu ở lại? Ở lại là một mình đương đầu mọi hiểm nguy, kể cả tính mạng lẫn danh dự. Khổng Tước thái phó cũng chưa từng dám coi thường quyền lực của các quan. Chỉ là một hộ vệ bé nhỏ, Hồng Tước trước chư quan, làm sao tự bảo vệ được mình?

Một sớm, Hồng Tước trở lại phủ thái phó năm nào, như muốn tìm lại sự thanh tịnh hiếm hoi giữa sóng gió cuộc chiến quyền lực trong triều. Là đệ tử Khổng Tước, Hồng Tước và các chị em cũng vô tình bị cuốn vào trong chốn quan trường bão tố. Đại tiên sinh xưa đã cố bảo vệ các học trò mình, hướng tai mắt và những lời xàm tấu của chư quan vào mình để các học trò không bị kết tội gì, tuy nhiên cũng không được bao lâu; điều đó dù ít nhất đã bảo vệ được Thi Kỳ nhưng lại làm ngài mất danh vị thái phó. Thi Kỳ, bao nhiêu năm qua dưới sự bảo hộ của Đoàn thượng thư, danh tiếng của thái phó Khuê Văn Khổng Tước và bốn bức tường cao của Hưng Thánh điện lớn lên an toàn và vô tội; bây giờ rời thành, khó mà bình an trở về, nếu không có cánh bạch hạc tình cờ...

Bên vọng nguyệt đài vẫn còn đó cây đàn tam thập lục, bàn đá đã phủ rêu và dây leo quấn quít, lại có màn thường xuân rủ xuống xanh mát mà cũng buồn lạnh lẽo. Ngày xưa Sa Liên hay tấu tam thập lục, đàn còn đây nhưng Sa Liên không còn.

Hồng Tước ngồi xuống cạnh đàn, khẽ gẩy mấy nốt nhạc. Tam thập lục không phải sở trường của hộ vệ thái tử, nhưng tiếng tam thập lục là sở thích của người. Ngày xưa đó, không có gì tuyệt hơn những khi không thiết triều hay phải dạy học thái tử, là ngồi bên vọng nguyệt đài, trên tay là tách trà thơm thanh cúc và bên cạnh có tam thập lục Sa Liên, dưới mái hiên có Khổng Tước đại tiên sinh và Thi Kỳ bé nhỏ ngài dạy làm thơ.

- "Tam thập lục khảy câu thánh thót
Gió ru hồn xao xác bên tai;
Vần thơ nào không buồn da diết
Trà thơm nào không đắng nhớ thương?"

Tam thập lục vắng tay Sa Liên không còn khảy câu thánh thót, phủ thái phó từ lâu đã vắng mùi trà thơm, chỉ còn Thi Kỳ bé nhỏ thi thoảng được Đoàn thượng thư mãn triều tới thăm. Nay Thi Kỳ cũng đi nốt, điện Hưng Thánh im lặng đến buồn...

- Ta không nghĩ hộ vệ của ta lại có hồn thi ca như vậy, hay lắm!

Hồng Tước giật mình, thấy trước mặt là Thái tử, đứng đó không biết từ bao giờ.

- Thái tử... thần... thất lễ...!

Hồng Tước vội đứng lên thi lễ, nhưng thái tử không trách mà chỉ cười.

- Thôi, ngồi xuống đi.

Thái tử nói, rồi cùng lúc đó ngồi xuống ghế đối diện, nhìn chung quanh tò mò.

- Nào, nói ta nghe, Anh Tử, ngươi từ khi nào biết làm thơ vậy? Lại còn biết chơi tam thập lục nữa.

Phải đáp làm sao cho Thái tử? Từ xưa Hồng Tước hiếm khi ngâm thơ, kể cả tấu nhạc. Hộ vệ quan mấy ai có cái thú đó, thường chỉ luyện võ rồi đọc binh thư làm vui; nhưng Hồng Tước... là...

- Thưa, ngày xưa thần cũng là đệ tử Thái phó...

- À, đúng rồi, nhị sư tỷ Trà Khiết, chúng ta cùng tuổi. Nói mới nhớ, đã lâu lắm Trà Khiết chưa tới thăm ta, đột nhiên hôm nọ dự thiết triều, xin đại tỷ và ta cho về quê, nay đã quá ba tuần trăng vẫn chưa về. Ta không biết...

Gì chứ? Đã hơn ba tuần trăng mà Thi Kỳ vẫn chưa về, có khi nào...? À, đúng rồi, đại tiên sinh hôm trước về thăm có nói chuyện Thi Kỳ, rằng đã có vụ án kỳ lạ ở quê nhà... Hồng Tước biết quá rõ, Thi Kỳ không phải Sa Liên thần thám, làm sao tự một mình vén được bức màn? Ừ thì đành vậy, Hồng Tước chỉ mong đứa em bé nhỏ và mọi người trở về bình an vô sự, không cần gì hơn.

- Mà... Thái tử điện hạ, sao điện hạ lại rời Đông cung một mình như vậy?

- Ta không thích đọc sớ, nhất là sớ hạch tội. Dù đúng dù sai ta cũng không phân xử được... Ta không muốn vô tình mà huyền chức thanh quan, như đại tỷ ta từng... nhiều năm trước. Chỉ vậy thôi.

Dù Trưởng công chúa là người nhiếp chính, nhưng các quan vẫn tấu sớ cho Thái tử. Không phải vì phép tắc, mà vì quan cố vấn thể nào cũng khuyên Thái tử vì một sớ nào đó tiến cử hoặc huyền chức một người. Có thể là tiến cử kẻ ít tài hay huyền chức người thanh liêm, ai biết được. Chỉ có một lần, Hình bộ thị lang dâng sớ hạch tội Sa Liên sử quan không làm tròn trách nhiệm ngự sử, ghi chép thiên vị; Thái tử thẳng thừng từ chối. Là sử quan, Sa Liên thiên vị thì có, nhưng chưa bao giờ thiên vị trong cuốn sử. Biết chuyện đó, Sa Liên giận lắm vì có người vu oan mình, nhưng rồi cũng mặc kệ mà thôi. Thái tử không muốn vô tình mà phải cách chức một liêm quan như vậy.

- Nếu như Trà Khiết về sớm, ba chúng ta ngồi lại uống trà thì hay. Và nếu có Tú Minh thái phó... - Thái tử vội sửa lời - ...Khổng Tước tiên sinh càng tốt.

- Thái tử điện hạ... còn nhớ đại tiên sinh?

- Có chứ. Ta với các ngươi cũng coi như huynh muội mà. - Thái tử cười - Và Trà Khiết là đứa em bé nhỏ của chúng ta...

Hồng Tước hiếm khi thấy Thái tử tỏ ra thân thiết với ai, nay lại cười với mình. Đã bao lâu rồi Thái tử không được vui như vậy? Thái tử coi mình là đệ tử của đại tiên sinh, tức đồng môn của những người tôi tớ; phận tôi tớ như Hồng Tước dám không bao giờ nghĩ tới điều đó.

- Anh Tử... Ngươi có biết, tại sao bây giờ Trà Khiết vẫn chưa về?

Điều này, Hồng Tước cũng không dám nói, vì ai biết lúc này Thi Kỳ ra sao? Đại tiên sinh về thăm dạo nọ chỉ cho biết Thi Kỳ đang dấn thân vào một vụ kỳ án. Thi Kỳ vốn không phải thần thám, nhưng nếu đã quá ba tuần trăng vẫn chưa về, ắt hẳn đã gặp hiểm nguy gì rồi. Hồng Tước chỉ khẽ lắc đầu thay lời đáp.

Tân Ô Lương một ngày mưa bão...

- Đại tiên sinh, trời còn mưa gió quá, con e rời trấn bây giờ sẽ khó...

- Vậy thôi, mai ta đi... Liều lúc này hẳn không phải ý hay.

- Con thấy vui vì đại tiên sinh con cuối cùng cũng biết lo lắng cho chính mình một đôi khi. - Sa Liên cười.

- Ừ thì... Dù gì thì nhờ tay bằng hữu ta các con cũng chỉ được che chở một khắc, đời người không dài, nhưng thấy các con được an lành khi còn trên dương gian hơn khi chúng ta ở dưới cửu tuyền...

- Nhưng có phải ngài quá lo rồi? Ở đây vẫn còn những bằng hữu ngài, ngài có thể nhờ...

Khuê Tước tiên sinh bỗng bật cười.

- Nhờ tay bằng hữu cũng chỉ một lúc thôi con... Cái ta lo nhất là chuyện Thi Kỳ, ta không chắc nó qua khỏi sóng gió này còn nguyên vẹn con ơi... Nếu chúng ta đều đoản mệnh sớm, thì lấy ai bảo vệ nó bây giờ?

- Nói tới chuyện Thi Kỳ... Dù con đã nói vậy, nhưng cũng lo lắm. Quyền thế của quan quân triều đình bây giờ quá mạnh, Thi Kỳ lại quá bé nhỏ...

- Chuyện Thi Kỳ đã có nhị tiên sinh các con lo... - Khuê Tước tiên sinh cười.

- Nhị tiên sinh con...

- À, chuyện đó, khi tới lúc ta sẽ nói.

Sen tím dẫu bùn vẫn ngát hương
Chim anh bé nhỏ lượn mấy phương
Đất lành chim xuống nhờ bóng mát
Áng thơ ván cờ lấy làm thương...