- On Luyen Thi Thpt Quoc Gia Ngu Van Phan Tich Hinh Tuong Nguoi Lai Do Song Da

Tùy Chỉnh

A. Đặt vấn đề

Nguyễn Tuân là một cây bút văn xuôi xuất sắc của nền văn học hiện đại Việt Nam - một nghệ sĩ tài hoa, uyên bác, cá tính độc đáo và đồng thời cũng là một tri thức giàu lòng yêu nước và tinh thần dân tộc. Là một nhà văn có sở trường về tuỳ bút, Nguyễn Tuân có công thúc đẩy thế loại này phát triển đến một trình độ nghệ thuật cao.

Với cái tôi tài hoa phong túng, vốn tri thức uyên bác trí tưởng tượng phong phú cùng một kho từ vựng giàu có, Nguyễn Tuân đã đem đến cho thể tuỳ bút một sức cuốn hút mãnh liệt.

Xuất sắc nhất trong số tuỳ bút của Nguyễn Tuân là tác phẩm "người lái đò sông Đà" trích trong tập "tuỳ bút Sông Đà" (1960). Với cảm hứng mới mẻ về đất nước và con người Việt Nam trong xây dựng cuộc sống mới. Trong tuỳ bút, bằng tài năng nghệ thuật đặc sắc, Nguyễn Tuân đã khám phá, ngợi ca chủ nghĩa anh hùng trong lao động và cái tài hoa nghệ sĩ của những người lao động bình thường giữa cuộc sống đời thường qua hình tượng người lái đò sông Đà.

B. Giải quyết vấn đề
I. Khái quát

1. Hoàn cảnh sáng tác

"Người lái đò sông Đà" là kết quả của chuyến đi thực tế gian khổ mà hào hứng của Nguyễn Tuân đến với Tây Bắc xa xôi - một chuyến đi không chỉ thoả mãn những khát khai "xê dịch" mà chủ yếu là để tìm kiếm "chất vàng" trong thiên nhiên và "thứ vàng mười đã qua thử lửa" trong tâm hồn con người Tây Bắc. Ông lái đò trong tác phẩm là một "thứ vàng mười" như thế.

2. Hình tượng

Hình tượng nhân vật chính xuyên suốt trong những trang văn của Nguyễn Tuân trước và sau cách mạng tháng 8 luô là những người nghệ sĩ tài hoa. Nhưng ở hình tượng người lái đò, ta thấy được sự chuyển hướng trong quan niệm thẩm mĩ và phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân. Nếu như trước cách mạng Nguyễn Tuân tìm kiếm cái đẹp trong quá khứ của một thời vang bóng, cái tài hoa nghệ sĩ ở những người xuất chúng phi thường thì sau cách mạng, nhà văn hướng ngòi bút của mình tìm kiếm "chất vàng mười" trong tâm hồn, phong cách của những người lao động bình thường giữa cuộc sống đời thường.

Hình tượng "người lái đò sông Đà" là một nhân vật đặc biệt. Ông không chỉ là một người lao động bình thường mà còn là một anh hùng sông nước, một người nghệ sĩ với "tay lái ra hoa". Công việc của ông không chỉ là nghề chèo đò thông thường mà được Nguyễn Tuân nâng lên thành một hoạt động sáng tạo nghệ thuật đầy tài hoa của người nghệ sĩ.

≫ Hình tượng "người lái đò sông Đà" được chạm khắc sừng sững trên nền của thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ diễm lệ thơ mộng với vẻ đẹp của tài hoa, trí dũng song toàn.

3. Ngoại hình

Ông lái đò hiện lên như một công trình nghệ thuật chạm khắc công phu bằng chất liệu ngôn từ tinh tế và giàu giá trị tạo hình. Ông lái đò khoảng gần 70 tuổi mà vẫn còn trẻ tráng quá "cái đầu quắc thước được đặt trên một thân hình cao to gọn quánh chỉ như chất sừng chất mun", ngoại hình của ông mang đậm vẻ đẹp khoẻ khoắn dẻo dai của người lao động vùng sông nước. "hai tay ông dài lêu nghêu như cái sào" - "hai chân ông khuỳnh khuỳnh như đang kẹp một cái cuống lái tưởng tượng" - "giọng nói ông ào ào như tiếng nước trườn trê mặt ghềnh" - "nhãn giới ông vời vợi như lúc nào cũng mong một cái bến xa trong sương mờ".

4. Tên gọi

Nhà văn cố tình không đặt tên riêng cho nhân vật mà lấy nghề nghiệp để gọi tên khiến nhân vật mang ý nghĩa khái quát cao.

Ông lái đò không chỉ là một con người cụ thể mà còn tiêu biểu đại diện cho biết bao người lao động bình dị, vô danh đang ngày đêm âm thầm cống hiến trí lực của mình chinh phục thiên nhiên để làm giàu cho Tổ quốc.

≫ Qua đó Nguyễn Tuân viết lên một bản hùng ca về tài hoa trí dũng của người lao động Việt Nam

II. Phẩm chất của Người lái đò sông Đà.

1. am hiểu sâu sắc, tường tận về sông Đà

Có quan niệm tư chất nghệ sĩ ở một người trước hết được thể hiện qua sự am hiểu sâu sắc của người đó về đối tượng và thành thạo trong công việc của mình > ông lái đò là người như vậy. Ông lái đò làm nghề chèo đò đã được 15 năm, riêng trên sông Đà ông đã có hơn 100 lần ngược xuôi "sông Đà, với ông lái đò, như một trường thiên anh hùng ca mà ông quen thuộc đến từng những cái dấu chấm than, dấu chấm và những đoạn xuống dòng." Nguyễn Tuân đã dùng câu văn độc đáo để làm nổi bật sự am hiểu tường tận và trí nhớ vô song của người lái đò về từng đặc điểm, tính cách.

Toàn bộ nghệ thuật chèo đò của ông lái đò nằm trong bí quyết "nắm chắc quy luật tất yếu của dòg sông Đà", ông thuộc từng ngọn thác vách đá, từng luồng sinh - tử, từng thạch trận trên sông. Đồng thời nắm chắc quy luật phục kích và binh pháp của thần sông thần đá để chủ động ứng phó và giành thắng lợi.

2. vẻ đẹp toàn diện của trí - dũng - tài hoa

Nhận xét:
Nhằm tôn vinh tài hoa, trí dũng của con người, Nguyễn Tuân đã sáng tạo ra cảnh vượt thác trong thế không cân sức giữa một bên là con người nhỏ bé trên thuyền đơn đọc với vũ khí duy nhất là mái chèo mong manh hoàn toàn đối lập với một bên là dòng sông hùng vĩ với những đội quân: thác, nước, đá dữ tợn. Vượt qua được dòng sông ấy không chỉ cần dũng cảm, mưu trí mà cần phải có một tài nghệ điêu luyện trong cuộc chiến ấy. Ông lái đò hiện lên như một viên tướng "tả xung hữu đột" giữa trận đồ bát quát lại vừa như một nghệ sĩ "tay lái ra hoa".

Miêu tả cuộc gia tranh giữa 3 lần vượt thác, Nguyễn Tuân đã vận dụng tri thức của các ngành địa lí , quân sự, võ thuật, thể thao, điện ảnh cùng các biện pháp nghệ thuật nhân hoá, so sánh, liên tưởng, tương phản, phóng đại... Nhằm dựng lên sống động trước mắt người đọc trận thuỷ chiến dữ dội trên sông Đà.

a - Trùm vi thạch trận 1

Dòng sông Đà được nhân hoá thành một đối thủ đầy mưu mô xảo quyệt. Nó dàn bày 5 cửa trận 4 tử 1 sinh, cửa sinh nằm lập lờ phía tả ngạn. Đá dàn quân mai phục chua 3 tuyến công thủ chặt chẽ chờ thuyền đến để nhổm cả dậy vồ lấy thuyền. Thác nước phối hợp với đá làm thanh viện hò la vang dậy rồi ùa vào mà bẻ gãy cán chèo. Nước như một đô vật túm chặt lấy thắt lưng ông lái đò rồi tung ra các miếng đánh hiểm độc: hồi lùng, đòn tỉa - quyết tiêu diệt ông lái đò.

Thạch trận dàn bày vừa xong, ông lái đò đưa thuyền lao vụt tới giáp chiến với một tài nghệ khéo léo, điêu luyện. Sóng nước đánh đòn âm hiểm độc khiến ông lái đò bị thương, mặt méo bệnh đi vì đau đớn. Mắt như nổ đom đóm nhưng ông lái đò vẫn cố nén vết thương kẹp chặt cuống lái bình tĩnh tỉnh táo chỉ huy con thuyền đi đúng hướng. Ông lái đò như một viên dũng tướng can đảm tài chí bằng kinh nghiệm và bản lĩnh của mình đã khéo léo đưa thuyền vượt qua những luồng chết, vượt qua những bãi đá ngầm phóng thẳng đến cửa sinh, phá xong TVTT thứ nhất.

b - Trùm vi thạch trận 2

Thần sông nham hiểm lập tức thay đổi chiến thuật, nó tăng thêm nhiều cửa tử và đột ngột đẩy cửa sinh sang bờ hữu ngạn dòng sông hòng đánh lừa con thuyền. Dòng thác đá hùm beo tế hồng hộc trên sông đá, bọn thuỷ quân ra sức lôi con thuyền vào tập đoàn cửa tử.

Do ông lái đò nắm chắc quy luật phục kích và binh pháp của thần sông thần đá nên lập tức đổi chiến thuật theo. Ông cưỡi lên thác nắm chặt cái bườm sóng, ghì cương lại miết 1 đường chèo về phía cửa sinh.