- On Luyen Thi Thpt Quoc Gia Ngu Van Phan Tich Hinh Tuong Nhan Vat Trang

Tùy Chỉnh

A. Đặt vấn đề

Kim Lân là một cây bút có sở trường về truyện ngắn, viết về đề tài người nông dân và nông thôn Việt Nam trước cách mạng với một văn phong hóm hỉnh, sắc sảo, đậm sắc thái thôn quê. Trong sự nghiệp của Kim Lân "vợ nhặt" là tác phẩm xuất sắc nhất được sáng tác năm 1955 in trong tập "con chó xấu xí" sáng tác năm 1962. Truyện gây xúc động giản dị bởi lối viết chân thành giản dị của một nhà văn "một lòng đi về với đất - người - thuần hậu nguyên thuỷ". Tác phẩm không chỉ phơi bày chan thực tình cảm thê lương của người dân trước cách mạng mà chủ yếu để nhà văn khám phá, ngợi ca vẻ đẹp phẩm chất, tâm hồn của những con người đôn hậu, giàu tình người, khát vọng sống, khát khao hạnh phúc và luôn tin tưởng, hi vọng vào tương lai. Toàn bộ những phương diện nhân văn, nhân đạo ấy được biểu hiện tập trung ở nhân vật Tràng - một thành công xuất sắc về nghệ thuật của nhà văn Kim Lân.

B. Giải quyết vấn đề
1. Khái quát

• Nguồn gốc: "vợ nhặt" có tiền thân từ tiểu thuyết "xóm ngụ cư" được sáng tác ngay sau cách mạng tháng 8 nhưng thất lạc bản thảo. Sau khi hoà bình lập lại (1954) nhà văn dựa vài một phần cốt truyện cũ để sáng tác tác phẩm "vợ nhặt".

Hoàn cảnh sáng tác: Tác phẩm lấy bối cảnh là năm đói năm 1945 làm chết hơn 2tr người Việt Nam và là một trong những trang sử bi thảm nhất của dân tộc. Nhà văn mượn cáu đói, cái chết để ngợi ca sự sống, khát vọng sống và khám phá phẩm chất cũng như vẻ đẹp tiềm ẩn sây trong tâm hồn người lao động Việt Nam.

Nhan đề: Tác phẩm được đặt tên là "vợ nhặt" - một nhan để kì lạ, hấp dẫn, độc đáo, thu hú sự chú ý của người đọc. Dựng vợ gả chồng xưa nay là việc thiêng liêng, trọng đại của một đời người nhưng Tràng lại có vợ dễ như "nhặt được đồ vật" ngoài đường ngoài chợ. Nhân đề và câu chuyện nhặt được vợ giữa ngày đói giúp nhà văn khéo léo dẫn dắt người đọc đi khám phá vẻ đẹp phẩm chất, tâm hồn của các nhân vật, đặc biệt là nhân vật Tràng.

2. Phân tích
Tràng hiện lên trong những trang văn của Kim Lân vô cùng sinh động, ấn tượng. Qua lối miêu tả chân thực mộc mạc, không chút trâu chuốt. Trên con đường khẳng khiu dần về xóm ngụ cư, chiều chiều người ta hay thấy hình ảnh của một anh nông dân dáng vẻ thô kệch đang khất khưởng bước về nhà. Tràng có một ngoại hình xấu xí, đầy lam lũ vất vả, hai con mắt nhỏ tí, khuôn mặt to lớn thô kệch, hai bên quai hàm bạch ra, lưng to bè như lưng gấu, dáng đi lúc nào cũng chúi về phía trước

2.1 - Hoàn cảnh
Tràng là một anh nông dân nghèo xơ nghèo xác làm nghề kéo xe bò thuê để kiếm sống. Tràng lại là dân ngụ cư - loại người bị coi khinh trong xã hội lúc bấy giờ. Tràng sống cùng một người mẹ già, hai mẹ con vì nghèo đói phải đi tha phương cầu thực nơi đất khách quê người, phiêu bạt đến xóm ngụ cư - nơi toàn những con người nghèo khổ. Hai mẹ con Tràng ở trong một căn nhà thảm hại như một túp lều đứng rúm ró trên mảnh vườn mọc lổn nhổn những bãi cỏ dại. Gia cảnh ấy cùng với ngoại hình xấu xí ấy khiến Tràng mãi không thể lấy nổi vợ.

2.2 - Tính cách
Là một anh nông dân có tính cách vô tư, ngờ nghệch và có phần thô vụng. Tràng có tật vừa đi vừa nói lảm nhảm một mình, thích làm bạn với trẻ con. Mỗi khi bị bọn trẻ con trêu chọc, Tràng ngửa cổ lên trời cười hềnh hệch. Tính cách Tràng có phần vụng về không khéo léo, không biết lấy lòng người khác nhưng không phải là người thô lỗ hay sỗ sàng mà ngược lại rất ý tứ, tế nhị, biết quan tâm, chia sẻ, biết yêu thương và khát khao mái ấm gia đình
Ngoại hình và gia cảnh làm nổi bật phẩm chất đáng quý bên trong nhân vật.

2.3 - Phẩm chất
- Là người biết yêu thương, sống có tình nghĩa
Tình huống nhặt được vợ
Được đặt vào một tình huống truyện độc đáo, hấp dẫn. Đó là tình huống Tràng - mộ anh nông dân nghèo khổ, xấu trai lại còn là người dân ngụ cư tưởng như không thể lấy nổi vợ lại bất ngờ có vợ theo không về. Xưa nay chuyện dựng vợ gả chồng là việc hệ trọng nhất của đời người cần phải tìm hiểu kĩ càng và tiến hành chu đáo. Nhưng ở đây Tràng lại có vợ hết sức dễ dàng như lượm lặt đồ ngoài đường ngoài chợ và lấy vợ bỏ qua mọi nghi thức tối thiểu nhất. Từ hình huống đặc sắ ấy, nhà văn quan sát thái độ, cách cư xử của Tràng để khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn bên trong một chàng trai có ngoại hình xấu xí.

Tràng có vợ một cách hết sức bất ngờ. Tràng và Thị gặp nhau có hai lần và đều ngoài đường ngoài chợ, chỉ bằng câu chòng ghẹo và vài bát bánh đúc, Thị đã theo không về làm vợ Tràng (dẫn chứng: nói qua về hai lần Tràng và Thị gặp nhau). Nhìn bộ dáng thảm hại như con ma đói của Thị - áo quần rách tả tơi như tổ đỉa, khuôn mặt lưỡi cày xám xịt lại chỉ còn thấy hai con mắt trũng hoáy, Tràng hiểu tình cảnh túng quẫn mà Thị rơi vào. Cái đói không chỉ huỷ hoại nhân hình của Thị mà còn đẩy lùi nhân cách khiến Thị trở nên trơ trẽn, cố tình gợi ý để được ăn và ăn liền một chặp 4 bát bánh đúc chẳng chuyện trò gì. Sau đó còn cố tình bám lấy câu nói đùa của Tràng để theo về làm vợ. Tình cảnh ấy khiến Tràng hiểu Thị theo anh không phải vì tình cảm mà là vì chạy trốn cái đói, cái chết và níu lấy hi vọng sống.

• Cách cư xử
Mặc dù hiểu được tình cảnh và nguyên cớ khiến người phụ nữ kia theo mình về nhà làm vợ nhưng Tràng không khinh rẻ hay coi thường. Điều này cho thấy Tràng là một con người nhân hậu, trọng tình nghĩa, trân trọng và giành tình cảm yêu thương chân thành mộc mạc cho người vợ nhặt.

Lúc ở chợ: Có một quyết định nhanh chóng và liều lĩnh đó là đưa Thị về làm vợ. Tràng thể hiện sự quan tâm, ân cần với Thị bằng cách đưa Thị vài chợ, mua một cái thúng con, sắm vài thứ lặt vặt, ăn một bữa thật no rồi cùng nhau về. Khi miếng ăn bằng cả sinh mạng thì hành động ấy của Tràng là cả một nghĩa cử cao đẹp.

Trên đường về: Tràng tỏ ra là một người ý tứ tế nhị khi tìm cách xoá đi khoảng cách lúng túng ngượng ngùng giữa hai người bằng những câu nói thân tình ấm áp nhưng vụng về, không biết bày tỏ càng làm cho hoàn cảnh giữa hai người trở nên xa cách. Thấu hiểu nỗi tủi khổ trong lòng Thị và từ khi chấp nhận người phụ nữ ấy , Tràng không coi Thị là một người xa lạ nữa "trong lòng hắn lúc ấy chỉ còn nghĩa tình với người đàn bà đi bên."

Về tới nhà: Tràng quan tâm tới từng biểu hiện nhỏ nhất của Thị, Tràng băn khiawn khi thấy tâm trạng, vẻ mặt buồn rầu của người vợ nhặt "Quái, sao nó lại buồn thế nhỉ?" ... "Ồ, sao nó lại buồn thế nhỉ?". Lo ngại cuộc gặp giữ giữa mẹ chồng và nàng dâu trở nên lúng túng, căng thẳng nên Tràng đã ra tận ngõ đón mẹ, rào trước đón sau giới thiệu giải thích mục đích để mẹ chấp nhận nàng dâu và cũng là để cho cuộc gặp gỡ trở nên tự nhiên ấm áp hơn. Tràng nói "nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ! Chúng tôi phải duyên phải kiếp với nhau", Tràng không coi đó là truyện vu vơ ngoài đường ngoài chợ mà coi đây là truyện của duyên kiếp số phận, từ "nhà tôi" cho thấy Tràng coi Thị là bạn đời, một người vợ thật sự chứ không phải một người vợ nhặt. Những lời nói đơn sơ giản dị mà thấm đượm bao nghĩa tình gắn bó yêu thương đằng sau đó hiện lên một người đàn ông tế nhị sâu sắc, chân thành và giàu tình nghĩa. Chính thái độ trân trọng ấy và tình người ấm áp của Tràng đã trả lại danh dự cho người vợ nhặt để Thị có thể vượt qua được mặc cảm, cảnh ngộ trớ trêu để chính thức trở thành một người vợ, một người con dâu trong gia đình.

- Là người có khát vọng sống mãnh liệt và khát khao hạnh phúc thiết tha
Hoàn cảnh vợ của Tràng

Tràng có vợ trong hoàn cảnh hết sức éo le, trớ trêu khi xun quanh nạn đói hoành hành và con người chết la lệt khắp nơi. Xóm ngụ cư - nơi Tràng sinh sống cũng trở nên thê thảm khi bạn đói tràn qua, không khí tối sầm lại, người chết như ngả dạ, sáng nào cũng thấy ba bốn cái thây nằm còng queo trên đường, không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người. Cái đói, cái chết bao trùm cả bầu trời lẫn mặt đất, trên không trung quạ cứ kêu lên từng hồi thê thiết, dưới mặt đất tiếng khóc, tiếng hờ người chết não nùng thê lương... Giữa bối cảnh đói khát, người ta ăn không xong, nuôi thân không nổi, Tràng lại đi lấy vợ.

Sự kiện Tràng bất ngờ có được vợ khiến tất cả mọi người đều ngạc nhiên, từ những người dân ở xóm ngụ cơ tới và cụ Tứ là mẹ Tràng đều không khỏi bàng hoàng sửng sốt, ngay cả , chính Tràng là người trong cuộc mà cũng kinh ngạc bất ngờ. Trên đường về đi bên người vợ nhặt mà Tràng cứ bán tín bán nghi, về tới nhà nhìn thấy Thị ngồi giữa nhà mà Tràng vẫn ngờ ngợ như không phải thế, bâng khuâng tự hỏi "Ra là hắn đã vó vợ rồi đấy ư?" Ngay cả sáng hôm sau khi đã chính thức làm vợ chồng, Tràng vẫn "ngỡ ngàng như không phải thế". Lúc đầy khi mới quyết định đưa Thị về làm vợ, Tràng cũng thấy【chợn】khi nghĩ: "Thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi hay không lại còn đèo bòng". Nhưng sau một thoáng phân vân, Tràng tặc lưỡi liều lĩnh "Chậc, kệ.", Tràng đã đánh liều để mong có được một tổ ấm, một gia đình. Ở Tràng khát khao hạnh phúc mãnh liệt đến mức Tràng quên cả nỗi sợ hãi, quên cả cái đói cái chết đang rình rập, đe doạ.

Nx: Nhân vật Tràng và câu chuyện có vợ của anh cho thấy rõ chủ đề tư tưởng và ý đồ nghệ thuật của nhà văn: "khi đói người ta không nghĩ tới con đường chết mà chỉ nghĩ tới con đường sống. Dù ở trong tình huống bi thảm tới đâu người ta vẫn khát khao hạnh phúc, hướng đến ánh sáng, vẫn tin vào sự sống và hi vọng ở tương lai, vẫn muốn sống và sống cho ra người." Toàn bộ những khát vọng đẹp đẽ của nhân vật được nhà văn Kim Lân kháo phá qua những diên biến tâm lí tinh tế và đặc biệt là sự thay đổi tích cực của Tràng từ khi có vợ.

Sự thay đổi (diễn biến tâm lí) của Tràng

Chiều hôm trước:
Trên đường về, niềm vui có vợ khiến Tràng mang một vẻ phớn phở khác thường, cứ tủm tỉm cười một mình, hai con mắt sáng lên lấp lánh. Lần đầu tiên đi bên một người phụ nữ lại là vợ Tràng, trước cái nhìn của mọi người, Thị thì lúng túng ngượng ngùng còn Tràng lại lấy thế làm thích chí lắm, cái mặt cứ vênh vênh tự đắc. Một cảm giác hạnh phúc ngọt ngào êm ái len vài trong tâm hồn khiến Tràng thấy xốn xang, quên hết thực tại khốn khổ để chỉ còn thấy tình nghĩa với người đàn bàn đi bên "có cái gì mới mẻ lạ lắm chưa từng thấy ở người đàn ông nghèo khổ ấy".
Niềm khát khao hạnh phúc ở Tràng còn được bộc lộ rõ qua một chi tiết nghệ thuật đặc sắc, trong cảnh chết đói, Tràng đã dám bỏ ra hai hào để mua dầu thắp cho sáng. Cả một vùng không ánh đèn ánh lửa thì ngọn đèn mà Tràng thắp lên trong đêm tân hôn chứa đựng nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Ngọn đèn ấy biểu hiện niềm vui hạnh phúc trong lòng Tràng, biểu thị thái độ coi trọng người vợ, trân trọng nâng niu hạnh phúc của chính mình. Đồng thoief biểu tượng cho niềm khát khao hi vọng vào một cuộc sống một tương lại tươi sáng.

Sáng hôm sau:
Khi thức dậy, niềm hạnh phúc khi có vợ khiến Tràng như trở thành một người hoàn toàn khác, Tràng thấy trong lòng êm ái, lửng lơ như người vừa trong mơ đi ra. Tràng thấy cảnh vật xung quanh đều thay đổi mới mẻ, khác lạ, những cảnh tượng bình dị cũng khiến Tràng thấy cản động thấm thía lạ lùng, thấy yêu thương và gắn nó với ngôi nhà. Đặc biệt Tràng thấy mình trưởng thành hơn "bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này".

Chính hạnh phúc đời thường bình dị mà rất đỗi thiêng liêng ấy đã làm bừng sáng cả ngôi nhà và thay đổi con người khiến Tràng từ một anh nông dân vô tư ngờ nghệch trở thành một người đàn ông chính chắn, sâu sắc biết suy nghĩ và có trách nhiệm với gia đình.

Chi tiết kết thúc tác phẩm làm sáng ngời ý nghĩa nhân văn nhân đạo cao đẹp của thiên truyện (tác phẩm) và cũng rất phù hợp với logic phát triển của hiện thực cũng như tính cách nhân vật. Bên mâm cơm ngày đói, Tràng hình dung hình ảnh đoàn người đi phá kho thóc người Nhật và hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới. Hình ảnh kết thúc tác phẩm hoàn toàn tương phản với khung cảnh mở đầu, gửi gắm những mơ ước hi vọng vào sự đổi đời tốt đẹp sẽ đến với những người lao động nghèo khổ, trong đó co Tràng.

3. Nghệ thuật xây dựng nhân vật

Nhân vật Tràng được khắc hoạ sinh động ấn tượng, được xây dựng tự nhiên chân thực không chút cầu kì, trau chuốt. Nhà văn sử dụng ngôn ngữ trần thuật mộc mạc, bình dị đậm tính khẩu ngữ kết hợp ngôn ngữ phân tích tâm lí nhân vật tinh tế sắc sảo cùng với một THT độc đáo sáng tạo, từ đó làm nổi bật những phẩm chất cao đẹp, vẻ đẹp tiềm ẩn sâu trong tâm hồn người lao động nghèo Việt Nam.

C. Kết thúc vấn đề

Qua việc xây dựng thành công nhân vật Tràng, tác phẩm đã truyền tải những chủ đề tư tưởng sâu sắc và những thông điệp nhân văn nhân đạo cao đẹp. Từ câu chuyện nhặt vợ giữa ngày đói của Tràng, nhà căn Kim Lân khẳng định khát khao hạnh phúc, mái ấm gia đình vẫn là những tình cảm đẹp đẽ nhất trong tâm hồn người lao động Việt Nam. Những con người ấy dù cận kề cái chết vẫn hướng đến sự sống với một khát vọng sống mãnh liệt, khát khao hạnh phúc thiết tha. Dù ở trong tình huống bi thảm đến đâu vẫn không mất đi tình người cao đẹp, sự yêu thương đùm bọc lần nhau, vẫn luôn mơ ước, hi vọng tin tưởng vào tương lai.