- On Luyen Thi Thpt Quoc Gia Ngu Van Viet Bac De 4

Tùy Chỉnh


Việt Bắc – đề 4

Cảm nhận 10 câu tiếp theo

"Ta về mình có nhớ ta

Ta về ta nhớ những hoa cùng người

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng 1 mình

Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung."

A. Đặt vấn đề

Nói về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, nhà thơ Tố Hữu từng viết "chín năm làm 1 điện biên/nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng". Ngày mùng 7 tháng 5 năm 1954 chiến dịch Điện Biên Phủ huyền thoại kết thúc, kháng chiến chống pháp thành công. Ngày 21 tháng 7 năm 1954, hiệp định Gionevo kí kết hòa bình được lập lại, miền Bắc hoàn toàn được giải phóng. Tháng 10 năm 1954, các cơ quan Đảng và chính phủ rời chiến khu Việt Bắc về Hà Nội, sự kiện lịch sử trọng đại này đã khơi nguồn cảm hứng dạt dào để Tố Hữu – nhà thơ chính trị – lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam sáng tác bài thơ Việt Bắc. Đây được coi là bản hùng ca và cũng là khúc tình ca về cuộc sống kháng chiến chống Pháp và những con người kháng chiến mà ở bề sâu của nó là truyền thống đạo lí thủy chung không quên cội nguồn của dân tộc Việt Nam.

Đoạn thơ dưới đây chính là đoạn tuyệt bút của Việt Bắc, ghi lại được cái hồn cảu cảnh sắc thiên nhiên và con người Việt Bắc qua nỗi nhớ da diết, sâu nặng của người đi (trích thơ)

B. Giải quyết vấn đề

I. Khái quát

- Hoàn cảnh sáng tác: Ra đời vào 1 thời điểm đặc biệt – "đêm giao thừa" của lịch sử đất nước, vì thế tác phẩm hội tụ nhiều tình cảm lớn của thời địa. Đó là cuộc chia tay của những con người đã cùng đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi với biết bao nghĩa tình sâu nặng. Người về với thủ đô, người ở lại chiến khu, liệu cuộc sống yên vui nơi thủ đô có làm người quên đi những tháng ngày kháng chiến gian khổ, quên nơi đã đùm bọc chở che? Bài thơ ra đời như 1 lời khẳng định về đạo lí thủy chung không quên cội nguồn của những con người kháng chiến và dân tộc Việt Nam đối với quê hương cách mạng Việt Bắc.

- Vị trí đoạn thơ: đoạn thơ nằm ở vị trí giữa của phần 1, khắc họa được 1 bức tranh tứ bình tuyệt đẹp về cảnh sắc thiên nhiên và con người Việt Bắc qua nỗi nhớ da diết, sâu nặng của người đi

(trích thơ)

II. Phân tích

1. Khái quát cảm xúc và hình tượng thơ

- Nhà thơ khẳng định nghĩa tình thủy chung và nỗi nhớ da diết của người đi bằng 1 cái nhìn khái quát.

"Ta về, mình có nhớ ta

Ta về ta nhớ những hoa cùng người."

- Hai câu thơ sử dụng biện pháp điệp từ với 2 đại từ "mình – ta" vang lên nhịp nhàng tha thiết tạo nên âm hưởng ngọt ngào cho lời thơ, đồng thờ mở ra cả 1 bối cảnh chia tay bùi ngùi, lưu luyến như khung cảnh giã bạn trong những hội xuân dân gian xưa.

- Chuyện nghĩa tình cách mạng được Tố Hữu khéo léo diễn đạt bằng lỗi nói giao duyên quen thuộc tạo cảm giác gần gũi thân thiết cho lời thơ. Đồng thời cho thấy rõ nét đặc trưng của thơ Tố Hữu – tâm tình ngọt ngào thương mến. 2 câu thơ đã khái quát trọn vẹn cảm xúc và hình tượng đoạn thơ "ta về ta nhớ những hoa cùng người", sự hòa nhập làm một trong vẻ đẹp của thiên nhiên, con người Việt Bắc qua nỗi nhớ của người đi.

2. Nỗi nhớ cảnh và người Việt Bắc

· Nhận xét:

Trong nỗi nhớ của người đi, cảnh và người Việt Bắc gắn bó không tách rời, các cặp câu vừa có sự phân đôi (4 lục tả cảnh – 4 bát tả người), lại vừa có sự đan xen.

Thiên nhiên Việt Bắc đẹp yên bình, thơ mộng và đầy sức sống được khắc họa ở các mùa khác nhau trong năm (xuân – hạ – thu – đông), được ghi lại ở các thời điểm khác nhau trong ngày (sáng – trưa – chiều – tối), được miêu tả ở các không gian khác nhau của Việt Bắc (bản làng – nương rẫy – núi rừng)

Con người Việt Bắc chịu thương chịu khó, đằm thắm nghĩa tình được hiện lên qua những công việc hàng ngày quen thuộc của người lao động vùng cao "làm nương – đan nón – hái măng". Nhà thơ gọi họ bằng những từ có tính chất chung chung, phiếm chỉ "người – ai – cô em gái", cho thấy đây không phải là 1 con người cụ thể nào mà có tính chất đại diện cho nhân dân Việt Bắc.

=> Nỗi nhớ của người đi dành cho tất cả những con người nơi đây

a. Mùa đông được ghi lại ở 1 khoảng khắc đẹp nhất – 1 ngày đông có nắng

"Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao nắng ánh dao cài thắt lưng."

- Bức tranh vùng cao trong câu thơ không ảm đạm hiu hắt như thường thấy mà lại mang 1 vẻ đẹp tươi sáng đầy sức sống, nhà thơ sử dụng những thủ pháp nghệ thuật quen thuộc không chỉ của thi ca, hội họa cổ điển phương Đông – đối lập tương phản, chấm phá điểm phác. Trên nền xanh bao la ngút ngàn của núi rừng nhà thơ điểm vào 1 chấm đỏ tươi của bông hoa chuối mà mày sắc và hình dáng của nó gợi liên tưởng đến hình ảnh 1 ngọn lửa đang cháy rực giữa 1 không gian bát ngát xanh. Sự tương phản giữa các gam màu xanh – đỏ, giữa các tính nóng – lạnh tạo hiệu quả thẩm mĩ độc đáo cho tứ thơ. Câu thơ cho thấy biệt tài của Tố Hữu khi tả mùa đông mà không hề lạnh lẽo hiu hắt tàn lụi mà ngược lại rất ấm áp tươi sáng đầy sức sống.

- Hình ảnh con người hiện lên qua công việc quen thuộc của người lao động vùng cao – đi làm nương rẫy, hình ảnh con người không được miêu tả trực tiếp tỉ mỉ mà chỉ phác họa qua ánh "dao gài thắt lưng" bắt nặng lóe sáng từ phía đèo cao. Con người hiện ra ở 1 vị trí rất cao, giữa bao la đất trời nhưng không hề gợi cảm giác đơn độc mà ngược lại con người chính là linh hồn trung tâm của bức trang thiên nhiên, làm chủ không gian và đẹp hài hòa với thiên nhiên.

b. Mùa xuân được khắc họa qua 2 câu thơ vô cùng tinh tế và gợi cảm

"Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang."

- Thiên nhiên: xuân đến thiên nhiên đất trời như vụt bừng tỉnh giấc, không gian sáng bừng lên trong sức nắng tinh khôi bạt ngàn, trải rộng khắp núi rừng "ngày xuân mơ nở trắng rừng". Màu trắng là gam màu đặc trưng cho thiên nhiên vùng cao mỗi độ xuân về, hoa mai – hoa ban – hoa mơ... đua nhau nở trắng rừng và tỏa hương thơm ngào ngạt đem lại cho đất trời 1 vẻ đẹp tươi sáng, thơ mộng. Trong những sắc hoa xuân của vùng cao ấy, hoa mơ để lại 1 ấn tượng sâu đậm trong hồn thơ Tố Hữu và làm thành không ít câu thơ tuyệt bút.

"Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam

Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng."

Trong câu thơ, hình ảnh "mơ nở trắng rừng" không chỉ gợi sắc xuân dịu dàng trong sáng mà còn gợi khí xuân dịu mát trong trẻo, cũng như hương xuân ngọt ngào quyến rũ.

- Con người hiện lên qua công việc lao động bình dị, cụm từ "chuốt từng sợi giang" gợi lên hình ảnh con người lao động cần cù tỉ mỉ khéo léo sáng tạo. Câu thơ cho thấy tấm lòng yêu mến trân trọng vô cùng của nhà thơ đối với những người lao động tài hoa chịu thương chịu khó.

c. Mùa hạ được khắc họa qua vẻ đẹp tươi tắn rực rỡ, sống động qua 2 câu thơ

"Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng 1 mình."

- Thiên nhiên: hè về khắp không gian núi rừng tràn ngập những âm thanh rộn rã tươi vui của những tiếng ve. Tả hè, nhà thơ chọn những sắc vàng – gam màu vốn đặc trưng cho mùa thu, khiến cho hè không chói gắt nóng bức mà vẫn đẹp tươi sáng và tràn đầy sức sống. Đặc biệt, từ "đổ" diễn tả được cả sự chuyển động của không gian lẫn thời gian, cách miêu tả tinh tế kết hợp giữa âm thanh và màu sắc đã gợi liên tưởng độc đáo cho câu thơ. Dường như lúc tiếng ve vụt ngân lên là lúc ánh nắng bừng lên tươi sáng, và đồng thời cả rừng phách chuyển vàng rực rỡ.

- Con người hiện lên qua hình ảnh "cô em gái hái măng 1 mình" biết bao trìu mến thân thương. Cách xưng hô "cô em gái" gợi tình cảm gần gũi ấm áp như tình ruột thịt làm cho hình ảnh cô em gái dù hái măng 1 mình nhưng không hề gợi cảm giác lạc lõng cô đơn. Câu thơ cũng cho thấy rõ giọng điệu tâm tình ngọt ngào thương mến.

d. Mùa thu được khắc họa gợi cảm có hồn

"Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung."

- Thiên nhiên mùa thu ở chiến khu Việt Bắc được hiện lên với 1 vẻ đẹp thanh bình yên ả qua hình ảnh "vầng trăng". Câu thơ tả cảnh rừng đêm nơi núi rừng hoang sơ nhưng không hề thấy bóng tối, sự dữ dằn kì bí như đã từng gặp trong rừng đêm Tây tiến "đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người". Khung cảnh thời chiến nhưng không hề thấy dấu vết bom đạn chết chọc đau thương mà ngược lại tràn ngập khắp không gian ánh trăng dịu mát thơ mộng, gợi lên 1 khung cảnh cuộc sống êm đềm, thanh bình. Mùa thu nơi núi rừng Việt Bắc trong nỗi nhớ của người đi không hoang vu, lạnh lẽo mà đẹp ấm áp gần gũi nên thơ với Việt Bắc không phải mảnh đất xa lạ mà đã trở thành quê hương thứ 2 với những người cách mạng, là cái nôi đã từng chở che kháng chiến tỏng suốt 15 năm gian khó.

- Con người: nhà thơ khép lại bức tranh tứ bình về vẻ đẹp 4 mùa thiên nhiên Việt Bắc bằng 1 tứ thơ có tính chát khái quát phẩm chất đặc trưng của nhân dân Việt Bắc. Đó là những con người giàu ân nghĩa thủy chung, họ là những người lao động bình dị nhưng chính họ đã đùm bọc kháng chiến, chở che cách mang và có vai trò quan trọng trong chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Khúc hát ân tình khép lại đoạn thơ nhưng dư âm của nó còn vang mãi trong lòng người, khúc hát ấy không chỉ được cất lên từ 1 tấm lòng của người đi, đó chính là tiếng lòng của đất nước, của dân tộc là truyền thống trọng nghĩa tình thủy chung như 1 của người Việt Nam.

III. Nghệ thuật

- Đoạn thơ cho thấy rõ các nét đặc trưng phong cách nghệ thuật của nhà thơ Tố Hữu và biếu hiện rõ tính dân tộc trong thơ. Chuyện nghĩa tình cách mạng, chuyện lịch sử và chính trị được Tố Hữu khéo léo diễn tả thông qua việc sáng tạo 1 bối cảnh chia tay đầy lưu luyến giữa kẻ ở và người đi – biểu trưng cho 2 nhân vật trữ tình lớn của thời đại là nhân dân Việt Bắc và cán bộ kháng chiến. Nhà thơ đã mượn tâm trạng tình yêu đôi lứa đẻ diễn tả thành công nghĩa tình cách mạng.

- Kết cấu đối đáp quen thuộc của ca dao dân ca, cùng với việc vận dụng nhuần nhuyễn linh hoạt với 2 đại từ "mình – ta" đã giúp nhà thơ bộc lộ sâu sắc tâm trạng lưu luyến, nhớ thương tình cảm găn bó sâu nặng thủy chung, nghĩa tình quân dân thắm thiết, tình đoàn kết dân tộc, truyền thống đạo lí "uống nước nhớ nguồn" của con người Việt Nam.

- Thể thơ lục bát của dân tộc cùng với giọng điệu tâm tình ngọt ngào thương mến, đã khiến cho chuyện cách mạng, chính trị trở nên gần gũi và dễ đi vào lòng người.

C. Kết thúc vấn đề

Đoạn thơ đã vẽ lên 1 bộ tranh tứ bình đặc sắc về 4 mua thiên nhiên Việt Bắc, mùa nào cũng đẹp cũng đáng yêu, hòa hợp gần gũi với con người. Điệp từ "nhớ" được lặp lại liên tiếp ở đầu mỗi câu thơ tả người, diễn tả tình cảm sâu nặng của người đi với nhân dân Việt Bắc. Sâu thẳm trong nỗi nhớ ấy là sự cảm phục và lòng biết ơn sâu sắc với những con người, mảnh đất đã cưu mang đùm bọc chở che kháng chiến, cách mạng những tháng năm trường kì gian khổ. Đoạn thơ cũng minh chứng cho thấy Việt Bắc xứng đáng là khúc hùng ca, bản tình ca đẹp nhất của thơ ca kháng chiến chống Pháp và Tố Hữu xứng đáng là người tiên phong, lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam.