- On Luyen Thi Thpt Quoc Gia Ngu Van Viet Bac De 5 12 Cau Cuoi

Tùy Chỉnh


Việt Bắc – đề 5

Phân tích 12 câu thơ dưới đây

"Những đường Việt Bắc của ta

Đêm đêm rầm rập như là đất rung

Quân đi điệp điệp trùng trùng

Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan

Dân quân đỏ đuốc từng đoàn

Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay

Nghìn đêm thăm thẳm sương dày

Đèn pha bật sáng như ngày mai lên

Tin vui chiến thắng tram miền

Hòa Bình Tây Bắc Điện Biên vui về

Vui từ Đồng Tháp An Khê

Vui lên Việt Bắc đèo De núi Hồng."

A. Đặt vấn đề

Nói về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, Tố Hữu từng viết "chín năm làm 1 Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng". Ngày mùng 7 tháng 5 năm 1954 chiến dịch Điện Biên Phủ huyền thoại kết thúc, kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Ngày 21 tháng 7 năm 1954, hiệp định Gionevo được kí kết, hòa bình được lập lại, miền Bắc hoàn toàn được giải phóng. Tháng 10 năm 1954, chính phủ và Đảng cùng cán bộ kháng chiến từ Việt Bắc trở về Hà Nội. Chính sự kiện lịch sử này đã khơi nguồn cảm hứng dạt dào cho Tố Hữu – nhà thơ trữ tình chính trị – lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam sáng tác ra bài thơ Việt Bắc. Đây được coi là bản hùng ca – khúc tình ca về cuộc sống kháng chiến chống Pháp và những con người kháng chiến, mà bề sâu của nó là truyền thống đạo lí ân tình thủy chung không quên cội nguồn của dân tộc Việt Nam. Đoạn thơ dưới đây thấm đẫm âm hưởng anh hùng ca với khuynh hướng sử thi kết hợp với cảm hứng lãng mạn để khắc họa nổi bật nhịp sống sôi động của 1 Việt Bắc hào hùng trong kháng chiên.

(trích thơ)

B. Giải quyết vấn đề

I. Khái quát

Đoạn thơ khắc họa toàn cảnh Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp, có sự chuyển đổi về bút pháp, giọng điệu và hình tượng thơ. Về hình tượng thơ chuyển từ gần gũi thơ mộng trữ tình qua cảnh hoành tráng, chiến dịch sôi động của 1 Việt Bắc trong giai đoạn tổng phản công cuối cùng giành chiến thắng. Đoạn thơ biểu hiện nổi bật âm hưởng anh hùng ca và khuynh hướng sử thi lãng mạn.

II. Phân tích

1. Hình ảnh Việt Bắc trong kháng chiến (6 câu đầu)

- Hình ảnh Việt Bắc hào hùng, tràn đầy niềm tự hào phơi phới tin yêu "những đường Việt Bắc của ta", đường Việt Bắc trong câu thơ vừa mang ý nghĩa tả thực (đường hành quân ra trận), lại vừa mang ý nghĩa biểu tượng (đường kháng chiến, đường cách mạng). Ở đó Việt Bắc không chỉ là 1 địa danh cụ thể mà đã trở thành biểu tượng của dân tộc Việt Nam trên đường ra trận, cho 1 cuộc kháng chiến toàn diện.

- 3 câu tiếp, những câu thơ tái hiện 1 khí thế sôi nổi tràn ngập khắp nơi trong ngày hội lớn. Khí thế ấy đã từng gặp trong thơ Chính Hữu "những ngày vui sao cả nước lên đường" và sau này trong thơ của Phạm Tiến Duật "đường ra trận mùa này đẹp lắm". Trong 3 câu thơ, các biện pháp nghệ thuật đặc sắc đã góp phần quan trọng vào việc khắc họa nổi bật sức mạnh lớn lao phi thường kì diệu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Nhịp thơ sôi nổi, gấp gáp liền mạch, câu nọ nối câu kia đã tái hiện được khí thế sôi nổi, khẩn trương của những đoàn quân đang hối hả nối đuôi nhau ra mặt trận trong giai đoạn tổng phản công quyết liệt.

- Đoạn thơ sử dụng hàng loạt những điệp từ liên tiếp "đêm đêm, rẩm rập, điệp điệp, trùng trùng" như dựng lên, biểu hiện trước mặt người đọc hình tượng những đoàn quân đông đảo hùng dũng hừng hực khí thế chiến đấu. Nghệ thuật điệp từ còn có tác dụng nâng lên nhiều lần, chất chồng vô tận khí thế sức mạnh hào hùng, vĩ đại của những đoàn quân. Hình tượng thơ không chỉ mang tầm vóc sử thi hào hùng kì vĩ mà con chan chứa cảm hứng lãng mạn, hình ảnh "ánh sao đầu súng" gợi nhớ tới tứ thơ "đầu súng trăng treo" trong Đồng chí – Chính Hữu. 2 hình ảnh đều có sự kết hợp hòa quyện giữa lãng mạn và hiện thực, giữa chiến tranh và hòa bình, đều biểu hiện nổi bật vẻ đẹp tâm hồn phong phú, tinh thần và ý chí của người lính.

- 2 câu sau hình ảnh đường Việt Bắc cũng được mở ra vô cùng vô tận với những đoàn dân công nối tiếp nhau tiếp lương tải đạn ra tiền tuyến.

"Dân công đỏ đuốc từng đoàn

Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay."

- 2 câu thơ khắc họa những hình tượng vừa hào hùng vĩ đại, lại vừa lãng mạn bay bổng, nhà thơ sử dụng những thủ pháp khoa trương phóng đại để làm nổi bật sức mạnh, khí thế hào hùng của cuộc kháng chiến toàn dân "đỏ đuốc từng đoàn / bước chân nát đá / muôn tàn lửa bay". Hình ảnh những đoàn dân công đi trong đêm với ánh đuốc sáng rực là những chi tiết chân thực của cuộc kháng chiến qua cách diễn đạt sáng tạo của nhà thơ, những hình ảnh ấy mang lại ý nghĩa biểu tượng ẩn dụ và vẻ đẹp nghệ thuật độc đáo. Cảm hứng lãng mạn đã nâng bước những đoàn quân khiến họ đi trong rừng đêm mà như đi trong không gian lung linh huyền ảo được bao bọc bởi ánh sáng kì diệu của ngàn sao trên trời, muôn tàn lửa bay từ những ngọn đuốc đỏ rực.

- Trong áng thiên cổ hùng văn "bình ngô đại cáo" – Nguyễn trãi đã từng ghi lại khí thế hào hùng của dân tộc ở những thời khắc thiêng liêng trọng đại. Nhà thơ cũng sử dụng thủ pháp khoa trương phóng đại để làm nổi bật sức mạnh của 1 đội quân chính nghĩa.

"Gươm mài đá, đá núi cũng mòn

Voi uống nước, nước sông phải cạn

Đánh 1 trận sạch không kinh ngạc

Đánh 2 trận tan tác chim muôn."

- Trong đoạn thơ Tố Hữu cũng sử dụng thủ pháp phóng đại để ghi lại hào khí thời đại qua những vần thơ "bước chân nát đá muôn tàn lửa bay", câu thơ không chỉ có sức nâng tầm vóc của quân đội ta sánh ngang với thiên nhiên, mà còn có sức mạnh vượt trên và chinh phục cả thiên nhiên vũ trụ.

2. Hai câu tiếp

- Niềm tin cũng chắc vào tương lai tươi sáng được khẳng định qua những hình tượng thơ mang ý nghĩa biểu tượng ẩn dụ và có tính chất đối lập tương phản.

"Nghìn đêm thăm thẳm sương dày

Đèn pha bật sáng như ngày mai lên."

- Câu thơ đầu tiên đã mở ra cả 1 dòng thời gian dằng dặc lẫn không gian mênh mông, ở đó không gian – thời gian vừa biểu tượng ẩn dụ cho quá khứ nô lệ tăm tối lại vừa biểu tượng cho những khó khăn gian khổ mà dân tộc ta đã phải trải qua trên con đường trường kí kháng chiến.

- Đối lập với câu thơ thứ 1, câu thơ thứ 2 sử dụng phép so sánh liên tưởng và khắc họa 1 hình tượng hoàn toàn tương phản với câu trên "đèn pha bật sáng như ngày mai lên". Ánh sáng mạnh mẽ của đèn pha có sức xuyên thấu, phá tan đi bóng đêm dày dặc của tăm tối, đồng thời mang ý nghĩa biểu tượng cho hình tượng của ngày mai lên, 1 hòa bình tươi sáng.

- Những câu thơ được viết lên với niềm lạc quan, tin tưởng mãnh liệt vào 1 ngày mai tất thắng, 1 tương lai huy hoàng sẽ tới với dân tộc. Tinh thần lạc quan là âm hương chủ đạo của cảm hứng lãng mạn cách mạng trong thơ cách mạng nói chung và trong thơ Tố Hữu nói riêng.

3. Niềm vui chiến thắng (4 câu cuối)

- 4 câu thơ cuối đoạn sử dụng nhiều biện pháp nổi bật đặc sắc, để làm nổi bật niềm vui chiến thắng.

"Tin vui chiến thắng trăm miền

Hòa Bình Tây Bắc, Điện Biên vui về

Vui từ Đồng Tháp An Khế

Vui lên Việt Bắc, đèo De núi Hồng."

- 2 từ "tin vui" được đảo lên đứng ở đầu đoạn, kết hợp với lối nói ước lệ khái quát "trăm miền" có tác dụng diễn tả những tin vui chiến thắng đồ dập tới từ khắp mọi nơi. Điệp từ "vui" liên tiếp và có mặt trong mỗi dòng thơ kết hợp với biện pháp liệt kê địa danh cũng là tên của những chiến thắng. Bên cạnh đó, nhà thơ còn sử dụng những từ ngữ chỉ không gian có tính chất trái chiều "về, từ, lên" cùng với giọng điệu rộn ràng,, náo nức vui tươi, tất cả đều nhằm diễn tả những chiến thắng liên tiếp tới từ muôn phương khắp hướng, đồng thời cho khắp miền thắp lên niềm tự hào và vui sướng vô bờ trước những chiến thắng vang dội làm nức lòng người.

III. Nghệ thuật

- Đoạn thơ cho thấy rõ các nét đặc trưng phong cách nghệ thuật của nhà thơ Tố Hữu và biểu hiện rõ tính dân tộc trong thơ. Chuyện nghĩa tình cách mạng, chuyện lịch sử chính trị được Tố Hữu khéo léo diễn tả thông qua việc sáng tạo 1 bối cảnh chia tay đầy lưu luyến giữa kẻ ở và người đi – biểu trưng cho 2 nhân vật trữ tình lớn của thời đại là nhân dân Việt Bắc và cán bộ kháng chiến, nhà thơ mượn tâm trạng tình yêu đôi lứa để diễn tả thành công nghĩa tình cách mạng

- Kết câu đối đáp quen thuộc của ca dao dân ca, cùng với việc vận dụng nhuần nhuyễn linh hoạt 2 đại từ "mình – ta", đã giúp nhà thơ bộc lộ sâu sắc tâm trạng lưu luyến nhớ thương tình cảm gắn bó sâu nặng thủy chung, nghĩa tình quân dân thắm thiết, tình đoàn kết dân tộc, truyền thống đạo lí "uống nước nhớ nguồn của con người Việt Nam.

- Thể thơ lục bát của dân tộc với giọng điệu tâm tình ngọt ngào thương mến đã khiến cho chuyện cách mạng, chính trị trở nên gần gũi và dễ đi vào lòng người.

- Đoạn thơ cho thấy rõ đặc trưng phong cách nghệ thuật, khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn

- Đoạn trích sử dụng dày đặc các biện pháp tu từ "điệp, đối, liệt kê, ẩn dụ, so sánh, phóng đại" để làm nổi bật hào khí thời đại và khí thế anh hùng của cuộc kháng chiến chống Pháp.

C. Kết thúc vấn đề

Với khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn kết hợp cùng những thủ pháp nghệ thuật đặc sắc, đoạn thơ đã cho thấy 1 hình ảnh Việt Bắc đẹp hùng tráng và tràn đầy hào khí. Ở đó Việt Bắc không chỉ là 1 vùng đất hay 1 địa danh cụ thể mà đã trở thành biểu tượng cho khí phách phẩm chất con người Việt Nam. Đoạn thơ minh chứng cho thấy Việt Bắc là khúc hùng ca của cuộc kháng chiến chống Pháp và Tố Hữu là "ngọn cờ đầu" của thơ ca cách mạng Việt Nam.